Đó là nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam sau khi Chính phủ có những động thái siết chặt tín dụng dành cho bất động sản.
Việc thắt chặt nguồn vốn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung bất động sản và đẩy giá tăng không hợp lý, theo Hội Môi giới.
Trong bản tin tuần này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định việc tăng trưởng nguồn cung trên thị trường địa ốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh.
Theo hội, hiện nay tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh huy động chính cho các dự án bất động sản ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên các cơ quan chức năng đang thúc đẩy việc thắt chặt nguồn vốn đổ vào bất động sản, đặc biệt từ hai kênh trên. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như các quỹ đầu tư bất động sản hay các kênh như đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài vẫn chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam, việc chặn những nguồn tài chính quen thuộc khiến nguồn cung bị thắt chặt, đẩy mức giá tăng lên một cách không hợp lý.
“Riêng thị trường nhà đất TP HCM đang chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 5-10% chỉ trong vòng một tháng. Điều này có thể thúc đẩy chi phí sản xuất các ngành liên quan như bán lẻ, sản xuất công nghiệp, đồng thời gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô”, Hội môi giới nhận định.
Về giải pháp lâu dài, hội cho rằng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, các cơ quan chức năng cần có những chính sách để các doanh nghiệp bất động sản hoạt động lành mạnh có thể phát triển. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế bao gồm cả bất động sản.
Hội đề xuất cơ quan chức năng đưa ra những quy định cởi mở hơn để các doanh nghiệp thu hút vốn nước ngoài, cũng như các sản phẩm đầu tư hiệu quả như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), chứng khoán hóa bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở…
Bên cạnh đó việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu bất động sản nói riêng cần có một cơ chế để giảm thiểu sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân – những người dễ bị tổn thương nhưng lại thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
“Cuộc chơi với trái phiếu doanh nghiệp nên dành cho các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính như ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, vận hành theo cơ chế thị trường”, hội nhận định.
Trước đó, Hội Môi giới cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến cơ quan quản lý thị trường lo ngại. Một là, doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ. Hai là, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ có thể khiến thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch. Rủi ro thứ ba đến từ hiện tượng các ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường này, dẫn đến thế bất lợi trên thị trường vốn chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo VnExpress
Xem thêm: