Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng ít nhất tới 2/3 số lượng người có nhu cầu mua nhà thực sự, giá nhà có thể bị đẩy lên cao, tác động trực tiếp đến an sinh xã hội. Do đó, nên có những quy định hợp lý, tránh những quy định tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định thị trường bất động sản.
Thời gian qua, thị trường bất động sản ồn ào với thông tin siết chặt tín dụng từ ngân hàng. Ông đánh giá việc này thế nào?
Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân bất động sản tôi cho rằng xuất phát từ một số lý do chính.
Thứ nhất, những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, đương nhiên lĩnh vực bất động sản chiếm phần lớn phải “phanh” lại.
Thứ hai, một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề về pháp lý cũng đang dừng lại. Do đó, tình trạng này xảy ra ở cục bộ, chứ không phải nhiều tổ chức tín dụng.
Việc khó vay vốn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà thế nào, thưa ông?
Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình ô xy, dưỡng khí của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở, dẫn đến tắc thở. Người dân cũng vô cùng khó khăn
Hiện nay, 70-80% lượng người mua nhà ở phân khúc cao cấp phải dùng đòn bẩy ngân hàng. Con số này ở phân khúc trung cấp, nhà giá rẻ cũng ở mức khoảng 50%.
Như vậy, nếu dòng vốn cho bất động sản gặp khó sẽ ảnh hưởng tối thiểu 2/3 số lượng người mua bất động sản trên thị trường. Đây là một con số vô cùng lớn, tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, an sinh xã hội.
Thông tư 39 mới đây của NHNN có xu hướng “nới” tín dụng cho bất động sản, ông đánh giá thế nào?
Việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng tại Dự thảo Thông tư 39 là rất cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Do vậy, cần sửa đổi để có những quy định hợp lý, tránh việc tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định thị trường bất động sản.
Vậy đâu là vướng mắc lớn nhất của Dự thảo Thông tư 39 cần phải sửa bổ sung ngay, thưa ông?
Tôi cho rằng, quy định tại dự thảo 39 mới đây của NHNN sử dụng từ “kiểm soát” việc “cho vay mua, kinh doanh bất động sản” và “kiểm soát” việc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn” nên đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Việc thắt chặt này, hướng đến khoản cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay “có giá trị lớn”, có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng “ngại” hoặc “không dám” cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà.
Nếu không sửa đổi Dự thảo sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản như thế nào thưa ông?
Việc quy định này nếu đưa vào thực thi sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản. Do vậy, nên thay thế từ “kiểm soát” bằng từ “quản lý” hoặc cụm từ “tăng cường quản lý” và Ngân hàng Nhà nước cần quy định “khoản vay có giá trị lớn” để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.
Cụ thể, hướng sửa đổi sẽ là “Quản lý (hoặc tăng cường quản lý) việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn”.
Theo ông, việc quản lý tín dụng cho bất động sản điều tiết thế nào là hợp lý?
Việc siết tín dụng BĐS ảnh hưởng đến cả người thực sự có nhu cầu mua nhà, khi họ khó vay tiền ngân hàng và giá nhà có thể bị đẩy lên cao. Lành mạnh hóa lĩnh vực tín dụng BĐS là chủ trương hợp lý, nhưng nếu thực hiện một cách cực đoan có thể sẽ khiến thị trường đình trệ, dẫn tới không ít rủi ro.
Siết như thế nào, siết ai cần phải tính toán kỹ, nếu không cẩn trọng sẽ có những hệ lụy khó kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: