Vợ chồng tôi dồn tiền tiết kiệm và vay mượn, mua mảnh đất này giá hơn 4 tỷ đồng, sổ đỏ cũng đã cầm, nhưng vài tuần sau do cần hỏi họ vài chuyện, tôi liên lạc với chủ đất thì nhiều lần đều bị chặn số.
Tôi mua đất, khi giao hết tiền, cầm sổ đỏ rồi mới phát hiện ra người bán là kẻ lừa đảo, đóng giả chủ đất. (Nguyễn Vinh)
Đầu năm trước, tôi tìm được mảnh đất có địa thế, phong thuỷ và giá đều tốt, vị trí trung tâm. Vợ chồng tôi gặp bên bán, thấy họ chân thành, lại được mang cả Chứng minh nhân dân, hộ khẩu và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bản gốc ra cho xem nên rất tin tưởng.
Một thời gian sau, tôi được cơ quan điều tra mời làm việc vì mảnh đất thực chất thuộc về người khác. Người này bị lừa tráo sổ đỏ giả mà không biết. Nhóm lừa đảo lại lấy sổ đỏ thật giao dịch, bán đất cho tôi.
Vậy mảnh đất này giờ thuộc về tôi, hay thuộc về chủ cũ? Tôi nên làm gì để được nhận lại tiền hoặc đất?
Gần đây đã xuất hiện tình trạng mạo danh chủ nhà để làm thủ tục bán nhà. Các đối tượng lừa đảo đã thực hiện nhiều thủ đoạn như đánh tráo hoặc làm giả giấy tờ sổ đỏ, chứng minh nhân dân… của chủ nhà để lừa người mua.
Pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể thế nào là giấy tờ giả. Tuy nhiên, có thể hiểu giấy tờ giả tức là những giấy tờ không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp. Nó được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm mục đích lừa các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc đáp ứng các mục đích trái pháp luật.
Hành vi làm giả giấy tờ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cụ thể:
– Xử phạt hành chính: Pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung đối với việc sử dụng các giấy tờ giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng. Ví dụ:
+ Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm giả CMND hoặc sử dụng CMND giả.
+ Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, theo Điều 341 BLHS 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, hành vi mạo danh chủ nhà để lừa bán nhà, đất còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về hướng giải quyết, bạn có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an địa phương, tố cáo người dùng giấy tờ giả lừa bán nhà cho bạn về hai hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Khi giải quyết vụ án, bên cạnh chế tài hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ buộc người kia phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của bạn.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Theo VnExpress
Xem thêm: