Mới đây, bà T.T.N (66 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, Tp.HCM) đã bị một môi giới của công ty Vạn An Phát dùng “chiêu trò” lừa gần 600 triệu đồng – số tiền con cháu cho bà làm của để dành.
Những chuyện khách mua BĐS bị môi giới hay công ty BĐS dùng các “chiêu thức” để lừa tiền không còn hiếm trên thị trường BĐS. Trong đó, chiêu trò đánh vào tâm lý của người mua sợ lỡ mất cơ hội kiếm tiền được xem là phổ biến nhất.
“Lùa gà” vào chuồng, thúc ép mua bằng được
Mới đây, bà T.T.N (66 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, Tp.HCM) đã bị một môi giới của công ty Vạn An Phát dùng “chiêu trò” lừa gần 600 triệu đồng – số tiền con cháu cho bà làm của để dành.
Được biết, vào khoảng 5/2020 vì có nhu cầu mua đất ở Tp.HCM nên bà N đã lên mạng Internet tìm hiểu và đọc được một bài quảng cáo bán nền đất ở quận 2. Bà N sau đó lên hệ môi giới tên M theo số điện thoại trên mạng dẫn đi xem đất. Tuy nhiên, thay vì chở xuống quận 2 như lời hứa, môi giới này dẫn bà N xuống huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Dù không đồng ý mua nhưng bà N liên tục bị môi giới xúm vào năn nỉ đóng tiền giữ chỗ, với lời hứa, đất này giá tăng nhanh và sẽ bán ra trong vòng 1 tuần, cứ đóng giữ chỗ 50 triệu đồng, nếu không mua nữa sẽ hoàn lại tiền. Vì tin môi giới, bà N chuyển giữ chỗ 50 triệu.
Sau đó, về nhà suy nghĩ, bà N không muốn mua nữa nên tìm môi giới lấy lại số tiền trên nhưng liên tục bị hẹn lên xuống rồi im bặt.
Sau đó khoảng 5 tháng, bà N lại tiếp tục đọc được thông bán bán đất nền giá rẻ tại Q.9. Cũng như lần trước, liên hệ đến số điện thoại theo hướng dẫn, bà N được môi giới hứa dẫn đi xem đất. Lần này tiếp tục là một nhân viên môi giới khác của công ty cũ trước đó bà mua đất. Dù đã từ chối, nhưng nhân viên này hứa dẫn bà N xuống quận 9, nếu sai sẽ đền bà 1 chỉ vàng.
Tiếp tục tin lời môi giới, bà N lên xe và môi giới này dẫn bà xuống huyện Thống Nhất, Đồng Nai để xem nền đất 120m2 với giá 1,9 tỷ đồng. Họ đưa cho bà N. xem một loạt hình ảnh quảng cáo mơ hồ về dự án và liên tục nói đây là mức giá rẻ nhất khu vực.
Lúc này, bà N nói về việc trước đó cũng đã cọc 50 triệu đồng ở Công ty và chưa lấy lại được, các nhân viên môi giới này nhận ra khu đất trên do công ty bán, nên hứa hẹn sẽ gộp khoản tiền 50 triệu đồng nói trên vào khoản tiền bà N vừa cọc cho lô đất này (tổng cộng 75 triệu đồng) để mua nền đất thứ 2 tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (Lô đất thứ 2 này, bà N đặt cọc giữ chỗ 25 triệu đồng).
Mục đích lúc này của bà N cũng chỉ là muốn lấy lại 50 triệu đồng đã giữ chỗ cho lô đất tại Trảng Bom, Đồng Nai trước đó. Nhưng lại không ngờ bị môi giới BĐS dụ đủ cách để đặt cọc mua lô đất ở Thống Nhất với giá 1.9 tỉ đồng, thanh toán đợt 1 là 680 triệu đồng, và môi giới hứa bán nhanh cho bà lô đất này trong vòng 3-4 ngày, bà sẽ nhận được 50 triệu đồng mà không mất công đi đòi.
Do biết được, bà N có số tiền khoảng gần 600 triệu đồng, nên một môi giới tự xưng là em của giám đốc công ty nên xin giảm 200 triệu đồng trên lô đất 1.9 tỉ, tức còn 1.7 tỉ. Đồng thời, xin thêm chiết khấu tặng 6 chỉ vàng là 30 triệu đồng, hỗ trợ thêm gói cho thuê là 60 triệu đồng. Tổng cộng sau khi đã trừ 75 triệu đồng bà N đã cọc thì bà chỉ còn phải đóng 515 triệu đồng (tổng 590) để thanh toán đợt 1.
Môi giới này dùng rất nhiều lời có cánh, hứa rằng chỉ cần ủy quyền để công ty bán được cho người khác thì bà N đã lời 200 triệu tiền ưu đãi từ giá, cộng thêm 90 triệu đồng chiết khấu thêm và được hoàn 50 triệu đồng cọc ở lần mua trước đó.
Vì tin môi giới nên bà N chuyển khoản số tiền 515 triệu đồng. Sau khi dụ được bà N kí hợp đồng và chuyển khoản, môi giới BĐS tiếp tục yêu cầu bà N ký một bản “hợp đồng ủy quyền” cho Công ty để họ có thể chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3. Tuy nhiên, trên tất cả các hợp đồng ngay thời điểm nói trên đều có chỉ một mình bà N ký tên, không có đại diện phía Công ty.
Qua tìm hiểu, bà N thấy có nhiều thông tin bất nhất nên nghi ngờ, hoang mang và hôm sau bà liên hệ công ty để xin hủy hợp đồng nguyên tắc, lấy lại số tiền đã đóng nhưng đều không được hỗ trợ. Sau đó, bà N nhận yêu cầu tiếp tục thanh toán các đợt tiếp theo trong thời hạn 1 – 7 tháng. Lúc này, bà N gọi môi giới đã hứa “lướt sóng” giúp thì môi giới này tiếp tục khuyên bà N đóng thêm 340 triệu để kéo dài thời hạn tìm khách mua.
Lúc này, bà N biết mình đã bị lừa, cũng không còn tiền đóng giai đoạn tiếp theo.
Có thể thấy, chiêu thức “lùa gà” vào tròng và thúc ép mua BĐS không còn mới mẻ trên thị trường BĐS. Với trường hợp như bà N, có thể vì quá tin môi giới, cùng với lòng tham lợi nhuận trong ngắn hạn càng thôi thúc lòng tin này nhiều hơn. Tuy nhiên, bà N có thể sẽ không mất số tiền (khi mà ngay ban đầu bà nghĩ sẽ không mua) nếu không bị các môi giới thúc ép và dùng đủ “chiêu thức” để moi tiền của người mua.
Đa phần môi giới BĐS sẽ dùng chiêu trò đánh vào tâm lý người mua sợ bỏ lỡ mất cơ hội kiếm lời. Môi giới sẽ dàn cảnh nhiều người giả làm người mua để đẩy giá lên cao hoặc hối thúc người mua đặt cọc. Dù chiêu thức này không còn mới nhưng có khá nhiều người vẫn bị lừa, nhất là những người ít có kinh nghiệm mua bán đầu tư BĐS.
Đủ chiêu giăng bẫy khách mua BĐS, nếu không tỉnh táo rất dễ “dính”
Chiêu thức môi giới BĐS “lùa gà” bằng cách đăng bán đất một nơi, dẫn khách đi một nẻo rồi dụ bằng được khách mua giống trường hợp bà N như trên không còn lạ. Đã có thời gian, chiêu trò này liên tục bị lên án rồi sau đó lắng xuống. Thế nhưng, ở nhiều nơi, các môi giới vẫn dùng chiêu thức này để moi tiền của khách hàng.
Theo ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia BĐS, điểm bắt đầu của chiêu trò này rất dễ nhận ra bởi các tin rao bán bất động sản giá rẻ bất thường, rẻ kiểu “không thể lơ là bỏ qua khi lỡ lướt qua tin đăng”, so với giá thị trường tại các khu vực.
Nhất là thời gian gần đây, khi thị trường BĐS bắt đầu kém thanh khoản thì chiêu trò “lừa quảng cáo BĐS một nơi, dắt khách đi một nẻo” lại rộ lên.
Thường trên chuyến xe và tại dự án khi môi giới dẫn khách đi xem đất, rất nhiều các chiêu trò chim mồi và hiệu ứng đám đông như: có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng, áp lực tâm lý,… làm khách dễ rơi vào bẫy nhu cầu. Nghĩa là tự nhiên xuất hiện “nhu cầu muốn mua” mà chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ, nhưng sau đó về nhà lại không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy.
Ông Kiên phân tích chiêu trò: Điểm mấu chốt khách dễ bị thuyết phục xuống cọc là lý lẽ “chỉ duy nhất hôm đó đặt cọc mới được giảm giá, và nếu về suy nghĩ lại không muốn mua nữa sẽ được hoàn lại đầy đủ tiền cọc”. Trên thực tế, ngoài số ít khách có quan hệ, hiểu biết pháp luật, có thời gian đi tới đi lui và quyết tâm làm lớn chuyện, còn lại không nhiều khách có thể đòi lại số tiền này.
“Trong trường hợp đó là dự án thật, nhà đầu tư vẫn có thể chấp nhận mua dự án nếu sau khi tìm hiểu lại thấy giá hợp lý và pháp lý ổn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều công ty môi giới có chủ đích từ đầu dụ khách hàng mua với giá cao hơn nhiều giá thị trường, hoặc nếu khách đổi ý thì gây khó dễ này nọ và gần như không thể lấy lại tiền cọc”, ông Kiên chia sẻ.
Để tránh những trường hợp nói trên, ông Lê Quốc Kiên cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những dấu hiệu sau: BĐS được rao bán có giá rẻ bất thường so với giá thị trường; Số điện thoại dùng để đăng tin rao đăng rất nhiều bất động sản giá rẻ bất thường khác; Không gửi trước vị trí bất động sản, và các giấy tờ pháp lý (chủ quyền,…) khi được đề nghị.
Điểm hẹn đi xem bất động sản tập trung rất đông người với các chiếc xe 16-30-45 chỗ (hiện tại do khách mua ngày càng cẩn trọng nên xuất hiện thêm xe taxi 4 chỗ để 2 sales kèm 2 khách trên xe); Những khách đến điểm tập trung đều đọc được các tin rao bất động sản giá rẻ na ná nhau; Nhân viên sales hầu hết là các bạn rất trẻ 20-25 tuổi.
Điểm đến của các chuyến xe là các dự án phân lô đất nền ở tỉnh, cùng hướng đi với các BĐS giá rẻ được rao (Ví dụ, BĐS giá rẻ ở Q.9 thì xe đi Long Thành, Nhơn Trạch; BĐS giá rẻ ở Hóc Môn, Q.12 thì xe đi Long An, Bình Dương; BĐS giá rẻ ở Thủ Đức thì xe đi Bình Dương, Bình Phước).
Nhân viên sales luôn thúc giục khách đặt cọc với 2 lý lẽ: “Chỉ duy nhất hôm đó đặt cọc mới được giảm giá”, và “sau khi về, nếu không muốn mua nữa có thể hoàn lại 100% tiền đã đặt cọc”.
“Cùng với đó, rất nhiều hiệu ứng chim mồi tự biên tự diễn “có khách mua, chốt cọc, gần hết lô đẹp” liên tục”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Trong chương trình Land Show mới đây, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, vấn đề mà nhiều nhà đầu tư gặp phải trên thị trường hiện nay là thiếu thông tin đầy đủ. Nhiều nhà đầu tư tiếp cận phải thông tin không đúng và đẩy đủ. Cùng với đó, nhiều NĐT kỳ vọng lợi nhuận đột biến, mà lợi nhuận cao đột biến thường kèm theo rủi ro rất là lớn.
Hiện nay có nhiều chiêu trò môi giới bán BĐS dụ người mua. Trong đó, FOMO là từ viết tắt của “Fear Of Missing Out” (tạm dịch là “Mua ngay nếu không sẽ bị bỏ lỡ cơ hội”) được xem là phổ biến nhất. Đây là chiêu trò mà nhiều môi giới đang sử dụng khiến khách hàng hoang mang. Những lời rót mật vào tai: Dự án hời lắm, sợ không mua hôm nay, ngày mai giá sẽ tăng mạnh, người mua mất cơ hội…
Cùng với “Hiệu ứng FOMO”, sử dụng “chim mồi” là một chiêu trò khác mà các môi giới BĐS cũng hay áp dụng. Ví dụ khi khách đang xem một căn nhà thì có khách khác từ đâu chạy tới, sau đó quyết định đặt cọc luôn. Người này thật ra là chim mồi do phía “cò đất” cài vào, nếu khách đang phân vân 50/50 thì việc họ xuất hiện có thể khiến khách lo sợ mất cơ hội mua nhà, khiến căn nhà trở nên “khan hiếm” mà nhanh chóng xuống tiền hoặc đặt cọc trước.
“Thả con săn sắt, bắt con cá rô” là chiêu trò mà các môi giới thường sử dụng. Tại đây, “cò” sẽ đưa ra cho khách một lô đất ở vị trí A, có hình thức và giá cả đẹp. Khi khách đặt cọc xong, vài ngày sau môi giới sẽ gọi tới, nói rằng có người muốn mua lại với giá cao hơn. Nhưng thực tế, chẳng có ai gọi cả. Thậm chí môi giới sẵn sàng tự bỏ tiền túi vài chục triệu đồng, giả vờ rằng vị khách kia sẵn sàng chồng tiền đặt cọc. Lúc này, khi người mua có cảm giác mình đã đầu tư đúng chỗ tốt, và thấy dự án khả thi, môi giới sẽ tiếp tục chào bán thêm vài lô đất nữa.
Ngoài ra, mua đất tặng “vàng” cũng là chiêu trò thường được sử dụng để lùa “gà” vào bẫy. Đây là tâm lý đánh vào lòng tham của người mua. Người mua đâu biết rằng, cây vàng được tặng trích từ tiền của chính người mua bỏ vào mà thôi.
Nói thêm về các chiêu trò, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thêm hiện nhiều dự án đang có hiện tượng làm giá. Tức khi một số sản phẩm được bán ra có người mua ngay, qua đó tạo lập một mức giá mới. Hiện có một số dự án, người ta định phân khúc, định giá ở một mức khá cao, thậm chí rất cao nếu như những người không có đủ thông tin, không có khả năng phân tích đánh giá, bị tác động tâm lý đám đông lao vào đầu tư. Tại đây, những người tư có tiềm lực thực sự, vay đầu tư những dự án này rất nguy hiểm bởi nguy cơ gánh khoản nợ lớn.
Theo Nhịp sống Kinh tế
Xem thêm: