Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1848/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã định hướng phát triển tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt.
Kể từ thời điểm này, nhiều nhà đầu tư lớn trong cả nước đã bắt đầu quan sát, theo dõi sát sao mọi thông tin, diễn biến liên quan đến dự án cao tốc này để bắt kịp cơ hội đầu tư.
Đầu năm 2021, dư luận bắt đầu xôn xao trước thông tin xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
Bắt đầu tư đây, một làn sóng đầu tư bất động sản đã bùng nổ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bất chấp những rào cản về đi lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã đổ về đây mua nhà đất khiến cho thị trường bất động sản Lâm Đồng diễn ra sôi động.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong cả năm 2021, địa bàn tỉnh có 36.549 lô đất nền, 3.035 căn nhà và 48 căn hộ chung cư giao dịch thành công qua công chứng. Đây được xem là lượng giao dịch kỷ lục, khi so sánh với lượng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành khác nằm ở khu vực lân cận.
Không chỉ dừng ở việc mua bán, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra rất sôi động.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cuộc đấu giá thu hút được nhiều người tham gia đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh, một số tài sản giá đấu giá tăng gấp 2, 3 lần so với giá khởi điểm. Đơn cử như đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt; huyện Đam Rông; huyện Di Linh.
Động lực từ dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương còn thôi thúc nhiều doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản đổ về đây để tìm hiểu cơ hội đầu tư, khiến cho làn sóng đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh càng thêm sôi động.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt với quy mô khoảng 4.320 hécta.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh này cũng đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho Liên danh: Công ty cổ phần tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần tập đoàn Nam Miền Trung phối hợp với Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch tại khu vực 15.000 hécta tại huyện Lâm Hà.
Hay ngày 13/12/2021, Thành ủy Bảo Lộc cũng đã có Công văn số 340-CV/ThU gửi UBND TP. Bảo Lộc và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp này về việc đầu tư dự án bệnh viện, bất động sản khu đô thị y tế, nghỉ dưỡng tại địa phương.
Tháng 1/2022, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch hàng loạt dự án quy mô lớn.
Trong đó có Tập đoàn Sao Đỏ với dự án rộng 820 hécta tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; Công ty TNHH SXTMDV Thái Hưng Long đề xuất lập quy hoạch khu vực 490 hécta tại huyện Di Linh.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hiện nay ra sao?
Gần một năm sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, dư luận lại tiếp tục xôn xao trước thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trực tiếp kiểm tra, thúc tiến độ triển khai các dự án cao tốc nêu trên.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú – Bảo Lộc.
Riêng về đoạn cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, ngày 12/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát đi văn bản về việc thẩm định và có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư, theo đề nghị của Liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC – FUTA Group – Phương Thành.
Góp ý về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo đề nghị của liên danh nhà đầu tư nêu trên, đa phần các sở, ngành và địa phương có liên quan đều cho rằng đầu tư dự án là cần thiết.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc đầu tư dự án giúp từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc nói chung và tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nói riêng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó kết nối giao thông vùng giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Đồng thời giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 20, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, lợi thế phát triển cho ngành du lịch của địa phương.
UBND huyện Bảo Lâm cũng cho biết phương án tuyến lý trình từ Km 131+300 đến Km 137+600 đi qua địa bàn xã Lộc An, huyện Bảo Lâm là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển vùng huyện.
Bên cạnh việc thống nhất quan điểm đầu tư dự án, nhiều đơn vị, địa phương cũng đã đóng góp thêm một số ý kiến nhằm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án được diễn ra thông suốt mà không gặp phải những khó khăn, vướng mắc liên quan về sau.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của dự án cần khảo sát, đánh giá hiện trạng, địa hình để lựa chọn phương án tuyến và các điểm bố trí các nút giao thông để kết nối cho phù hợp, hạn chế tối đa đến việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại các vị trí điều chỉnh.
Viện dẫn một số quy định của pháp luật có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng dự án cần rà soát, đánh giá cụ thể đối với trường hợp có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặt dụng (thuộc khu vực xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng cần cập nhật dự án nêu trên (nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư) vào Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Lâm Đồng theo từng giai đoạn dự án, đồng thời trình Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm cơ sở thực hiện các thủ tục về đất đai liên quan theo quy định.