Bất động sản thương mại Singapore quý I ghi nhận quỹ đạo tăng trưởng đầu tư lớn nhất trong khu vực, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái, với khoản đầu tư 5,7 tỷ USD, chủ yếu đến từ các giao dịch lớn trong khối văn phòng và mặt bằng bán lẻ.
Quý I, đầu tư bất động sản trực tiếp vào khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt 40,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin trên được nêu trong báo cáo thị trường đầu tư bất động sản tại các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á Thái Bình Dương của JLL Capital Tracker. Theo đó, khu vực này vẫn ghi nhận đà tăng trưởng đầu tư tài sản bán lẻ, văn phòng, logistics và công nghiệp. Trong quý đầu năm, các nhà đầu tư hiện hữu vẫn duy trì kế hoạch đầu tư trực tiếp hơn 200 tỷ USD cho năm 2022.
Ông Stuart Crow, Tổng giám đốc Thị trường vốn châu Á Thái Bình Dương JLL dự báo bất động sản của khu vực này có thể ứng phó được với tình trạng lãi suất tăng trong năm 2022. Đây cũng là khu vực có đủ nội lực vượt qua được giai đoạn tăng trưởng không chắc chắn do các dòng vốn chờ vẫn rất cao. Các nhà đầu tư tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư khi triển khai vốn trên khắp châu Á Thái Bình Dương, thể hiện qua việc rót vốn vào tài sản bán lẻ, văn phòng sôi động ở Singapore, Hàn Quốc, Australia.
Bất động sản thương mại Singapore quý I ghi nhận quỹ đạo tăng trưởng đầu tư lớn nhất trong khu vực, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái, với khoản đầu tư 5,7 tỷ USD, chủ yếu đến từ các giao dịch lớn trong khối văn phòng và mặt bằng bán lẻ.
Hàn Quốc cũng tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm, tăng 89% so với cùng kỳ 2021 lên 8,2 tỷ USD nhờ danh mục đầu tư đa dạng vào các lĩnh vực văn phòng, bán lẻ, logistics và công nghiệp.
Australia công bố mức tăng trưởng đầu tư hàng năm lớn thứ ba (tăng 49%) khi các nhà đầu tư triển khai 4,7 tỷ USD vốn vào thị trường, tập trung vào khối văn phòng. Nhật Bản là thị trường đầu tư lớn nhất của khu vực (8,5 tỷ USD) mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái 26% còn Trung Quốc với khối lượng giao dịch trong quý vừa qua đạt 8,3 tỷ USD.
Khu vực bán lẻ châu Á Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong quý I/2022 với các khoản đầu tư tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 8 tỷ USD vốn đã được triển khai vào các tài sản bán lẻ trong quý khi lưu lượng khách hàng đã quay trở lại sau việc nới lỏng các chính sách quản lý đại dịch ở hầu hết thị trường.
Văn phòng vẫn là lĩnh vực phổ biến nhất ở châu Á Thái Bình Dương nếu tính theo tổng khối lượng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái với 17,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp.
Hoạt động trong lĩnh vực logistics và công nghiệp cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình này chỉ thu về 8,3 tỷ USD vốn được triển khai trong quý đầu năm. Sự vắng mặt của các thương vụ danh mục đầu tư lớn cũng như số lượng giao dịch hạn chế đã làm mức độ tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực này chậm hơn, dù nhận được sự quan tâm rộng rãi của các nhà đầu tư. Các giao dịch đáng chú ý gồm việc bán DLJ Greater Shanghai Portfolio (717 triệu USD) ở Trung Quốc.
Các giao dịch khách sạn vẫn ổn định, đạt mức 3,1 tỷ USD khi ngày càng có nhiều khách sạn được bán lại với các nhà đầu tư cố gắng mua với giá hời hoặc chuyển đổi các khách sạn có hiệu suất kém thành các sản phẩm phục vụ sinh hoạt. JLL dự kiến lĩnh vực này sẽ phục hồi hơn nữa trong năm nay, dự báo giao dịch đạt 10,7 tỷ USD cho cả năm, với mức tăng 15% so với 2021.
Đơn vị này dự báo, các tháng tới, động lực của thị trường đầu tư sẽ chuyển sang nhóm bất động sản logistics và khu công nghiệp khi nguồn cung xuất hiện nhiều hơn. Các quỹ đầu tư được dự báo ngày càng tập trung vào các lĩnh vực có khả năng phục hồi thu nhập trong bối cảnh lãi suất tăng lên.
Theo VnExpress
Xem thêm: