Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021
Theo thông tin từ UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính cho biết trong 5 tháng đầu năm, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng kỷ lục. Cụ thể, tính chung trong cả nước, năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) so với năm 2020.
Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.
Siết chặt mua bán nhà đất hai giá
Trước đó, để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản.
Theo quy định, người bán là cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp bất động sản đóng 20% trên thu nhập và còn nhiều loại phí, lệ phí khác.
Tuy nhiên, thời gian qua, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đây là hành vi không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Không ít trường hợp khi kê khai lại giá bất động sản tăng từ 2 – 5 lần, thậm chí có trường hợp tăng tới 20 lần, thực trạng này cho thấy, thất thoát thuế qua “kẽ hở” tự kê khai giá bất động sản chuyển nhượng là rất lớn.
Tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đơn vị này đã thực hiện trả lại hơn 1.200 hồ sơ đóng thuế sang nhượng bất động sản vì có dấu hiệu kê khai không sát thực tế trong vòng 2 tuần đầu tháng 3. Trong đó, có 155 hồ sơ kê khai bổ sung nộp lại cơ quan thuế, giá kê khai lại tăng từ 2 – 5 lần so với ban đầu, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất tăng từ 500 triệu đồng lên 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Tài Chính công bố hồi tháng 3 cũng cho thấy sau các động thái siết chặt kê khai thuế bất động sản, hơn 60.000 hồ sơ phải khai lại trong 3 tháng đầu năm nay.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế Hà Nội, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục. Vì vậy, giá quy định không sát với giá của thị trường bất động sản. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan theo cơ quan thuế cũng gặp không ít khó khăn. Một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng, không phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Thảo luận tại nghị trường quốc hội mới đây, Đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Nam cho biết, việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu.
Từ phản ánh của cử tri, ông Bình cho hay, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ.
“Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế “ngâm” hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sát với giá thị trường bất động sản và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá Nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra và cũng không được quy định rõ ràng, minh bạch”, đại biểu Phan Thái Bình thẳng thắn chỉ rõ.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này.
“Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quy định rõ ràng, cụ thể các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật để cơ quan thuế địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh./.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN còn cho rằng, việc thất thoát, trốn thuế trong giao dịch bất động sản được cho là từ sự chênh lệch giữa giá đất theo bảng giá của tỉnh, thành phố và giá thị trường. Nhưng cơ sở để xác định giá thị trường lại chưa được quy định rõ ràng. Do đó, các giải pháp đưa ra đều mang tính xử lý tình huống nhiều hơn là giải quyết cái gốc của vấn đề từ việc xem xét sửa Luật Đất đai theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn. “Có thể tính đến phương án đánh thuế tài sản, thuế bất động sản thứ hai theo mục đích sử dụng đất. Các giải pháp đó tốt hơn là chạy theo các lần giao dịch mua bán đất đai như hiện nay” – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thêm: