Sau thời gian giá đất liên tục tăng mạnh, tạo ra cơn sốt đất ở nhiều khu vực. Đến nay, nhiều nơi đã rơi vào cảnh thanh khoản kém. Theo đó, tâm lý thăm dò, phòng thủ của các nhà đầu tư càng lên cao, thậm chí dù đã đặt cọc cũng chấp nhận bỏ.
Mới chỉ cuối năm 2021, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội,…. Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng lên cao. Mặc dù bây giờ vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng hiện tượng lệch pha cung – cầu đã có, người mua ít nhưng người bán nhiều. Thậm chí, có nhà đầu tư dù đã cọc tiền nhưng chấp nhận mất cọc.
Anh Nguyễn Khải, môi giới tại Bắc Giang cho biết, thời gian qua, thị trường khu vực vắng bóng người mua, khác hẳn so với những gì diễn ra trong năm 2021.
“Năm ngoái, cứ có lô đất nào đẹp là hết ngay lô đấy, những lô ở vị trí xấu cũng bán ầm ầm, chỉ là thời gian lâu hơn. Nhưng nay thì khác, cả tháng nay văn phòng tôi không có giao dịch nào. Thị trường bắt đầu hạ nhiệt, thanh khoản khó hơn. Chỉ có những lô đất nằm ở vị trí đắc địa thì vẫn có người hỏi nhưng họ muốn giảm giá thêm. Đa phần, nhà đầu tư vẫn đang thăm dò động thái tiếp theo của thị trường bất động sản”, anh Thế thừa nhận.
Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), cuối năm 2021, từng ghi nhận mức giá đất tăng chóng mặt lên tới 45 triệu đồng/m2. Theo môi giới tên Thành kể lại, lúc sốt đất, đa phần các nhà đầu tư chỉ lướt cọc kiếm lời.
“Tuy nhiên, đến nay thị trường đã có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc vì lo ngại tình trạng khó thoát hàng. Họ thà mất 50 – 100 triệu đồng tiền cọc, còn hơn ôm đất cả tỷ bạc mà khó bán”, anh Thành nói.
Anh Tùng, môi giới tại Hà Nội cũng cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, thanh khoản thị trường đã sụt giảm rõ rệt. Đặc biệt là đất nền vùng ven, loại hình có yếu tố đầu cơ cao. Còn phân khúc nhà thổ cư tháng trước còn lác đác 2 – 3 giao dịch, đến tháng này thì không có.
“Một số nhà đầu tư không chịu được áp lực tài chính đã bắt đầu rao bán cắt lỗ. Nhưng mức giảm chỉ dao động khoảng 100 – 150 triệu đồng với những lô có giá trị từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Không ít người vì lo lắng đã chấp nhận trả phí hoa hồng cao hơn bình thường để môi giới đẩy nhanh. Nhưng nói thật, thời điểm này thanh khoản khó, không như giai đoạn đầu năm”, anh Tùng cho hay.
Tại Bắc Ninh, năm 2021, thông tin Từ Sơn lên phố và quy hoạch hạ tầng đã kéo giá đất khu vực liên tục tăng cao. Trong thời gian ngắn, nhiều mảnh đất đã tăng gấp 2 – 3 lần.
Tuy nhiên, đến nay, thị trường này cũng rơi vào tình trạng tương tự các khu vực khác. Theo anh Bình, môi giới Bắc Ninh, trong giai đoạn sốt, nhà đầu tư từ Hà Nội, Hải Dương và tại khu vực mua bán tấp nập khiến giá đất khu vực liên tục tăng đột biến.
“Nhiều người suy nghĩ cứ có đất là ra nhiều tiền nên trong giai đoạn sốt, giá đất dù tăng cao vẫn mua bất chấp. Mỗi lần nhà đầu tư sang tay nhau lại thiết lập mặt bằng giá mới. Nên khi đó, nhiều người chỉ nhìn thấy câu chuyện lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, đến nay, thanh khoản khó, nhiều người dù đã cọc tiền nhưng phải bỏ. Một phần vì không lướt sóng được, một phần cũng vì khó vay tiền để ôm vào”, anh Bình nói.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, vấn đề không nằm ở việc siết tín dụng mà cần phân tích cả ở việc thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu. Người dân thiếu nguồn thu nên đổ xô kinh doanh bất động sản khiến cầu hàng hóa bị khan thật – ảo đan xen.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của Savills Hà Nội dẫn chứng, hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã bị “mắc kẹt” do mua đất vào các đợt sốt nóng, trong khi sự phát triển hạ tầng, dịch vụ chưa theo kịp.
Trước đó, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận, các dấu hiệu rõ nét của thị trường bất động sản là xuất hiện bong bóng cục bộ và giá cao nhưng khả năng thanh khoản thấp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thêm, thực tế giao dịch hiện nay đang thấp và bị hạn chế bởi mức giá bất động sản tại nhiều nơi bị đẩy lên quá cao. Giá chào bán hiện không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư hay người mua cũng có thể tính được giá trị ở mức độ hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không lựa chọn những sản phẩm đã bị thổi giá quá cao. Điều này dẫn đến tình trạng hấp thụ kém trên toàn thị trường.
Theo ông Đính, hiện nay nguồn cung bất động sản đang rất khan hiếm. Trước thực trạng này, nhiều môi giới, đầu cơ tiếp tục đẩy giá bất động sản tăng lên nhưng nhiều chỗ đưa ra những mức giá quá ảo nên không có người mua. Những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý vẫn sẽ có thanh khoản tốt.
Theo Nhịp sống Kinh tế
Xem thêm: