Thực tế cho thấy những cánh rừng trên địa bàn tỉnh này liên tục ngã xuống và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã trực tiếp tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng để chiếm đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, trong đó có nguyên nhân do giá đất tăng cao.
Những cánh rừng ngã xuống
Câu chuyện phá rừng luôn là đề tài ‘nóng’ trong suốt nhiều năm qua, và mới đây vấn đề này lại ‘sôi sục’ hơn bởi việc phá rừng để chiếm đất rồi rao bán, chuyển nhượng trái phép.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo từ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về kiểm tra thông tin phá rừng để chiếm đất rồi rao bán trên địa bàn huyện Đức Trọng, ngày 31/3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có Báo cáo số 92/BC-SNN về Kết quả kiểm tra, xác minh.
Theo đó, hiện trường nơi xảy ra các vị trí “Phá rừng trái pháp luật”, thuộc khu vực khoảnh 7, tiểu khu 267C, thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thuộc diện tích thu hồi của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt và giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (Ban QLRPH Đại Ninh) quản lý theo Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tổng số vị trí bị tác động đo tính được diện tích là 14 vị trí, diện tích 24.659m2, thuộc đối tượng rừng sản xuất. Lâm sản thiệt hại 477 cây gỗ (Thông ba lá và Dầu trà beng), khối lượng 47,425 m3 (trong đó: có 05 vị trí, diện tích 4.197 m2; lâm sản thiệt hại 120 cây gỗ, khối lượng 10,765 m3 nằm trong diện tích rà soát không có rừng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ liên quan đến việc phá rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua.
Những cánh rừng trên địa bàn tỉnh này liên tục ngã xuống và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã trực tiếp tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm.
Kiểm tra tại huyện Bảo Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ yếu trên diện tích Nhà nước đã cho các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư.
Đặc biệt vụ vi phạm nổi cộm như vụ phá rừng tại tiểu khu 613, xã Lộc Phú do doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý với diện tích rừng bị phá 1,9ha.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp, chuyển nhượng đất đai trái phép có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê 3 tháng đầu năm, tính đến ngày 31/3/2022, trên địa bàn huyện xảy ra 11 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, diện tích rừng bị phá là 2,866 ha. So sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 17 vụ, nhưng diện tích rừng bị phá tăng 1.726 m2.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 6 vụ vi phạm về lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 10.178 m2, đã giải tỏa được 1.050 m2 và còn 9.128 m2 chưa giải tỏa.
Kiểm tra tại huyện Di Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Lê Tám khẩn trương giải tỏa cây cà phê trên diện tích đã trồng xen (Bời Lời, Mắc ca, Sao đen) trước ngày 30/12/2022.
Trước thời gian nêu trên, nếu Công ty TNHH MTV Lê Tám chưa thực hiện, UBND huyện Di Linh báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án theo quy định.
Trong khi số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại huyện Bảo Lâm có xu hướng giảm thì số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại huyện Di Linh lại có xu hướng tăng.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp với diện tích bị tác động là 2.700 m2, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021,…
Do giá đất tăng cao!
Mổ xẻ nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm pháp luật bảo vệ rừng tại huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng có nguyên nhân do giá đất tăng cao.
Diện tích rừng trên địa bàn huyện lớn (huyện Bảo Lâm có 82.018 ha, huyện Di Linh có 83.579 ha), đồng thời lực lượng thực thi trong công tác bảo vệ rừng còn thiếu.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, còn có nguyên nhân chủ quan như chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm đúng mức và chưa thực hiện quyết liệt và quyết tâm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; việc xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, kịp thời;…
Liên quan đến vụ phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại huyện Đức Trọng xảy ra trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rà soát toàn bộ các hiện trường rừng bị phá, bị lấn chiếm trên địa bàn thời gian qua, lập kế hoạch và tiến hành giải tỏa toàn bộ cây trồng, công trình xây dựng trái phép trên đất để phục hồi rừng.
Đồng thời, không được để đối tượng vi phạm sử dụng, sang nhượng diện tích do phá rừng trái pháp luật. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng phức tạp tại địa phương trong thời gian qua.
Giao dịch bất động sản sôi động
Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trong quý 1 và quý 2-2021, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận một lượng lớn giao dịch bất động sản, chủ yếu là đất nền, với 24.531 giao dịch thông qua công chứng.
Bước sang quý 2 và quý 3-2021, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng có sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song số lượng giao dịch đất nền vẫn giữ ở mức cao so với nhiều địa phương lân cận như Kon Tum, Gia Lai.
Cụ thể, trong quý 3 và quý 4-2021, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận lượng giao dịch bất động sản giảm 38% so với quý 1 và quý 2, với 15.101 giao dịch thông qua công chứng.
Tường chừng cơn sốt đất nền tại Lâm Đồng đã đạt đỉnh và bắt đầu sụt giảm, nhưng bước sang quý 1-2022, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng đã bật tăng trở lại như những giai đoạn trước đó, lượng giao dịch chiếm phần lớn vẫn là đất nền.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quý 1 vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra là 11.911 tỉ đồng.
Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 lô đất nền giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 lô đất nền, huyện Đức Trọng với 1.648 lô đất nền, thành phố Đà Lạt với 1.162 lô đất nền, huyện Bảo Lâm với 1.105 lô đất nền.
Theo ThanhnienViet
Xem thêm: