Khi sản phẩm quy hoạch được phê duyệt sẽ được bàn giao lại UBND tỉnh. Mọi quá trình tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quy định của pháp luật khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí lập quy hoạch tại các địa phương. Song cũng có ý kiến lo ngại về việc trục lợi từ quy hoạch trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Thời gian gần đây, Lâm Đồng nổi lên là vùng đất mới được nhiều doanh nghiệp bất động sản đề nghị được nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch và đăng ký thực hiện các dự án quy mô lớn.
Chỉ nhận tiền, không nhận sản phẩm quy hoạch
Ngày 22/4/2022, UBND thành phố Đà Lạt phát đi Công văn số 2404/UBND-QLĐT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về đề xuất tài trợ lập quy hoạch và thực hiện dự án tại xã Trạm Hành của Liên danh Công ty Cổ phần Lộc Châu – Hòn Dấu – Hoàng Gia – Thiên Lý.
Liên danh công ty này đề xuất tài trợ lập quy hoạch khu đô thị sinh thái thông minh Trạm Hành – Cầu Đất diện tích 989ha, thuộc vị trí phía đông bắc của xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng khu đô thị sinh thái thông minh, khu công viên giải trí chủ đề (như Disneyland), khu nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, khu cắm trại, dã ngoại lều trại trong rừng;…
Qua nghiên cứu hồ sơ, UBND thành phố Đà Lạt cho biết kiến nghị của liên danh là tài trợ bằng sản phẩm là đồ án quy hoạch, tổ chức lập dự án đầu tư theo quy hoạch với tính chất là khu đô thị sinh thái, đa chức năng với tổng diện tích nghiên cứu 989ha.
UBND thành phố Đà Lạt cho biết địa phương đang rà soát quy trình, trình tự tiếp nhận tài trợ quy hoạch trên địa bàn theo quan điểm ‘chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ quy hoạch, không tiếp nhận sản phẩm quy hoạch’.
Bên cạnh đó, đề xuất của Liên danh Công ty Cổ phần Lộc Châu – Hòn Dấu – Hoàng Gia – Thiên Lý về việc lập quy hoạch và dự án khu đô thị sinh thái thông minh Trạm Hành – Cầu Đất là chưa phù hợp với định hướng phát triển thành phố Đà Lạt.
Do đó, UBND thành phố Đà Lạt thống nhất chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ quy hoạch, không tiếp nhận sản phẩm quy hoạch. Đồng thời chưa thống nhất việc xác định cụ thể phạm vi, ranh giới tài trợ quy hoạch của liên danh công ty nêu trên.
Đây chỉ là một trong số nhiều dự án được doanh nghiệp đề xuất tài trợ lập quy hoạch và được địa phương thẳng thắn nêu quan điểm từ chối tiếp nhận sản phẩm quy hoạch. Vậy thì các dự án khác đang được doanh nghiệp tài trợ quy hoạch trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy trình thế nào?
Đơn cử như UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương cho Liên danh T&T group và Futa group nghiên cứu khảo sát, tài trợ lâp quy hoạch chung xây dựng phân khu chức năng và đăng ký đầu tư tại huyện Lâm Hà.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.
Quy hoạch này đang được tổ chức triển khai thực hiện. Theo như thống nhất giữa Liên danh T&T group và Futa group và UBND huyện Lâm Hà, thì phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm các xã, thị trấn Nam Ban, Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà, Phi Tô, với diện tích khoảng 15.400 ha.
Hay dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim được UBND tỉnh ủng hộ ý tưởng và thống nhất đề xuất của Tập đoàn FLC về khảo sát nghiên cứu tại Thông báo số 200/TB-UBND ngày 01/8/2018 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tại buổi làm việc với Tập đoàn FLC về thu hút đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Quy hoạch dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư. Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 16/3/2020.
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam sông Đa Nhim được phê duyệt, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Khu đô thị Nam sông Đa Nhim.
Bên cạnh đó, đối với dự án Khu đô thị Liên Khương – Prenn, ngày 22/11/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản số 7737/UBND-XD2 về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tập đoạn FLC nghiên cứu, khảo sát và đề xuất quy hoạch dự án Khu đô thị Liên Khương – Prenn.
Đến ngày 14/10/2019, UBND tỉnh ban hành văn bản số 284/UBD-XD2 v/v thống nhất phạm vi nghiên cứu quy hoạch để Công ty cổ phần Tập đoạn FLC khảo sát và lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Liên Khương – Prenn, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 3.500ha.
Chưa hết, theo tài liệu có được, mỗi khi có thông tin đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng thường chỉ đạo giao một cơ quan làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp.
Từ đó, căn cứ theo quy định hiện hành và tình hình thực tế, nghiên cứu, đề xuất đảm bảo quy mô phù hợp và không trùng lấn với dự án đầu tư hoặc đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Đồng thời, khi sản phẩm quy hoạch được phê duyệt sẽ được bàn giao lại UBND tỉnh. Mọi quá trình tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy có thể thấy, việc tiếp nhận tài trợ của doanh nghiệp về việc lập quy hoạch các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thực hiện theo quy trình khá nghiêm ngặt.
Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ lập quy hoạch. Mọi ý tưởng doanh nghiệp đề xuất sẽ được các cơ quan chức năng của tỉnh bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có thống nhất hay không đối với ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp.
Đặc biệt, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch là cơ quan chức năng tại tỉnh Lâm Đồng và địa phương cũng không tiếp nhận sản phẩm quy hoạch tài trợ từ chính doanh nghiệp.
Đề xuất có hướng dẫn nhận tài trợ
Đó là Kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng tại Báo cáo Số 121/BC – KHĐT ngày 25/4/2022.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực (Công ty Ecoland, FLC, TH true Milk…): nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500.
Các sở ban ngành, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, xác định các khu vực thu hút đầu tư, có giải pháp quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất.
Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu đang khẩn trương triển khai theo tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng và tính khả thi khi ban hành.
Sở này cho biết thêm, tỉnh Lâm Đồng xem công tác quy hoạch là một trong những động lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, phải tạo ra được cơ hội, điều kiện mới để đủ hấp dẫn thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết tỉnh đang triển khai một số đồ án quy hoạch xây dựng để phát triển đô thị, do đó cần nguồn lực rất lớn để thực hiện.
Trong khi đó, các văn bản quy định của pháp luật đều khuyến khích Nhà nước tiếp nhận kinh phí tài trợ để triển khai lập quy hoạch, song lại chưa có quy định về việc tiếp nhận tài trợ sản phẩm quy hoạch. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể nội dung này.
Bộ Xây dựng nói gì?
Ngày 07/4/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn 1154/BXD-QHKT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định pháp luật về kinh phí cho công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thì Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng.
Song Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng; pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.
Cùng với đó, việc triển khai lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng thời, việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ theo quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, đất đai và pháp luật khác có liên quan; không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm,… đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, lập danh mục dự án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước làm cơ sở để chủ động bố trí kinh phí lập quy hoạch trên địa bàn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP.
Theo ThanhnienViet
Xem thêm: